Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! cùng chị Nguyễn Thái Hà

Đối với nhiều người, Tết là thời điểm để có thể vui chơi, giải trí sau một khoảng thời gian làm việc và học tập căng thẳng. Nhưng đối với học sinh nói chung và các bạn sĩ tử lớp 12 nói riêng, đây là lúc thích hợp bình tâm nhìn lại chặng đường nỗ lực đã qua và suy ngẫm xem bản thân nên học gì, thi gì hay xa hơn là sẽ làm ngành nghề gì trong tương lai.

Đứng trước lựa chọn quan trọng, nhiều bạn học sinh cảm thấy vô cùng hoang mang khi không biết đâu là ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, đâu mới là ngành nghề mà mình yêu thích. Chính vì lẽ đó, không ít bạn trẻ tìm đến những nhân vật có kinh nghiệm trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp để tìm cách “gỡ rối” cho bản thân.

Với tính cách hòa đồng nhưng không ngại trực diện phản bác những thông tin hướng nghiệp thiếu cơ sở, Nguyễn Thái Hà (sinh năm 1993, Hà Nội) chính là một trong số những nhân vật được các bạn trẻ “chọn mặt gửi vàng” trong hành trình định hướng nghề nghiệp cho bản thân như vậy. Cho những ai chưa biết, Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành một đơn vị chuyên về tuyển dụng và là Diễn giả tại nhiều Hội thảo Hướng nghiệp, Giảng viên Học phần Chinh phục nhà tuyển dụng tại nhiều trường đại học lớn. Ngoài ra, cô cũng sở hữu kênh TikTok chuyên về tuyển dụng – định hướng nghề nghiệp – phát triển bản thân đạt 240k người theo dõi và hơn 70 triệu lượt xem.

Chọn nghề theo công thức 3 “HÃY”

Chào Thái Hà, trong những năm qua, dù đã có những bước chuyển mình trong việc giáo dục hướng nghiệp cho các bạn học sinh nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thấy rõ được hiệu quả, là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo chị đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó?

Mình bắt đầu nhận vai trò làm diễn giả hội thảo hướng nghiệp từ khoảng năm 2019. Trong bất cứ cuộc hội thảo hướng nghiệp nào, mình đều đặt câu một hỏi cho các bạn khán giả rằng: “Có bao nhiêu bạn đang ngồi đây đã đăng kí vào trường đại học theo định hướng của bố mẹ?”. Theo đó, số lượng học sinh tham gia hội thảo vào các trường đại học theo mong muốn của phụ huynh ngày càng ít đi. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc định hướng nghề nghiệp hiện nay đã có sự thay đổi và nó không phải việc hướng nghiệp một chiều nữa. Thay vào đó, sự chủ động tìm hiểu thông tin về việc chọn ngành, chọn nghề đã được đề cao ở các bạn trẻ.

Ở một diễn biến khác, vẫn có một số lượng học sinh nhất định đang mất định hướng trong việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay. Đặc biệt là khi thấy các bạn trẻ hay lên các nền tảng mạng xã hội của mình như TikTok, Facebook để kêu than rằng cảm thấy không còn hứng thú với ngành mình đã chọn sau khoảng thời gian ngắn học tập … Điều đó cho thấy câu chuyện hướng nghiệp cho các bạn trẻ hiện nay đã có sự thay đổi nhưng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.

Năm mới mở hội tám chuyện nghề nghiệp với Nguyễn Thái Hà: Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! - Ảnh 2.

Câu chuyện hướng nghiệp cho các bạn trẻ hiện nay đã có sự thay đổi nhưng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều. Ảnh: Kenh14.vn

Có những yếu tố nào tác động đến việc chọn ngành nghề của học sinh hiện nay?

Các yếu tố tác động đến kết quả của hướng nghiệp là: Mục tiêu – Cách thức – Chuyên viên hướng nghiệp. Theo mình thì cả 3 yếu tố này ở Việt Nam đều chưa tốt.

Về người hướng nghiệp, thì thực sự số lượng người được cấp chứng chỉ về giáo dục hướng nghiệp chuyên nghiệp ở Việt Nam khá ít. Theo như mình tìm hiểu từ một đơn vị hướng nghiệp chuyên nghiệp, để được cấp chứng chỉ chuyên viên giáo dục hướng nghiệp, người đăng kí học cần trải qua một chương trình học lý thuyết và thực hành cực kì khắt khe, học phí không hề rẻ cũng như cần cam kết thực hiện hướng nghiệp chuẩn mực sau khi tốt nghiệp.

Thế nhưng thực tế hiện nay người hướng nghiệp trong các tổ chức giáo dục thường là những thầy cô chủ nhiệm hoặc dạy một môn nào đó nhưng được phân công kèm thêm hướng nghiệp, hoặc người hướng nghiệp có thể là bố mẹ chúng ta, hoặc hàng xóm, họ hàng.. là những người không có đủ chuyên môn cũng như có góc nhìn toàn diện về thị trường lao động.

Về mục tiêu hướng nghiệp, thì kết quả cuối cùng của một phiên hướng nghiệp phải là đối tượng được hướng nghiệp sẽ hiểu ra được đường đi của mình, từ đó sẽ có thể ra được lựa chọn đúng. Tuy nhiên thì như chúng ta có thể ghi nhận từ cuộc sống, thì có những mục tiêu hướng nghiệp rất kỳ quặc, nhằm thỏa mãn ý định và mục đích của người tư vấn, ví dụ như “ngày xưa bố mẹ muốn học ngành này nhưng không được thì bây giờ con phải học thay”, hoặc là “bác hàng xóm bảo học ngành A, B thất nghiệp”. Hoặc có những hội thảo hướng nghiệp được tổ chức, núp bóng hướng nghiệp nhưng thực tế là để… tuyển sinh.

Về cách làm, thì cũng nhiều cái thiếu chuẩn mực. Số giờ hướng nghiệp ở nhà trường quá ít, bố mẹ không dành thời gian và nguồn lực tìm hiểu về hướng nghiệp cho con mà chỉ chăm chăm thúc ép điểm số… là những ví dụ điển hình.

Năm mới mở hội tám chuyện nghề nghiệp với Nguyễn Thái Hà: Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! - Ảnh 3.

Theo Thái Hà, các yếu tố tác động đến kết quả của hướng nghiệp là: Mục tiêu – cách thức – chuyên viên hướng nghiệp. Theo mình thì cả 3 yếu tố này ở Việt Nam đều chưa tốt. Ảnh: Kenh14.vn

Lời khuyên của chị đối với những bạn học sinh đang phải chọn ngành, chọn nghề?

Trước khi đưa ra quyết định chọn ngành chọn nghề, mình muốn các bạn hãy áp dụng công thức 3 “HÃY” này:

Thứ nhất, hãy thấu hiểu bản thân. Việc thấu hiểu không đơn thuần là việc bạn thích làm gì, bạn muốn trở thành ai mà bạn còn cân nhắc đến cả điểm yếu của bản thân. Mình biết rất nhiều bạn chọn một ngành nghề nào đấy đơn giản là vì… thích. Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng mà bạn còn phải cân nhắc đến những lúc mình thất bại chúng ta phải nhớ, khi ta thăng hoa, hay khi ta đạt kết quả, nói “tôi thích việc này” nó dễ lắm. Còn khi thất bại, sụp đổ, chúng ta có còn giữ được sự yêu thích đó không hay là nản chí bỏ cuộc?

Thứ hai, hãy tìm hiểu thông tin một cách kỹ lưỡng và có chọn lọc. Hiện nay đang có rất nhiều thông tin hướng nghiệp trên mạng xã hội, nhưng không phải thông tin nào cũng chuẩn mực. Ngay kể cả bản thân mình cũng phải đấu tranh rất nhiều với những thông tin lệch lạc trên không gian mạng.

Rất nhiều người hiện nay có cách hướng nghiệp “độc hại” như khuyên các bạn trẻ không được ngành Ngôn ngữ Anh vì tiếng Anh bây giờ bão hòa rồi, hay Quản trị kinh doanh là bằng đại học vô dụng… Đó là những phát ngôn thiếu căn cứ và nó chỉ mang tính chất chủ quan nhưng ở một góc độ nào đấy lại ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy chọn nghề của các bạn trẻ. Do đó, khi tìm kiếm thông tin hướng nghiệp cần phải tìm từ những nguồn uy tín, những người có chứng chỉ nghề nghiệp hay có thâm niên trong nghề.

Cuối cùng, hãy dám đưa ra quyết định. Có thể quyết định của bản sẽ đi ngược lại so với kỳ vọng ban đầu của mọi người. Nhưng khi bạn đã thấu hiểu bản thân và đã có được thông tin nghề nghiệp chính xác thì không có gì phải lăn tăn nữa, cứ dũng cảm tiến lên thôi.

Năm mới mở hội tám chuyện nghề nghiệp với Nguyễn Thái Hà: Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! - Ảnh 4.

Rất nhiều người hiện nay có cách hướng nghiệp “độc hại”. Ảnh: Kenh14.vn

Việc các bạn học sinh ồ ạt chạy theo những ngành nghề được coi là “xu hướng”, hay chọn ngành nghề không đúng với năng lực có thể dẫn đến hệ lụy gì?

Trước tiên mình muốn khẳng định rằng việc chạy theo những ngành nghề “xu hướng” là điều không thể tránh khỏi với các bạn trẻ. Nhưng việc chạy theo số đông mà không có bất cứ sự tìm hiểu nào thì rất dễ dẫn đến những hệ lụy:

Đầu tiên, bản thân người ấy rất có thể sẽ sẽ rơi vào trạng thái vô định. Bạn biết không, việc chọn nghề cũng giống xây một cái nhà, nhà có vững hay không phải do cái móng của nó, và việc chọn nghề chọn ngành cũng cần dựa trên những yếu tố cốt lõi mà mình vừa trả lời ở trên. Không dựa vào cốt lõi thì cảm giác chênh vênh sẽ đến. Chúng ta lao vào ngành nghề “hot hit” vì chúng ta sợ bản thân sẽ bị rơi ra khỏi trào lưu của xã hội. Không có cảm giác gì tồi tệ hơn việc khi chúng ta lựa chọn hướng đi cho bản thân mà chúng ta không chắc chắn với hướng đi đấy.

Tiếp đến là việc thừa mứa vô số những người làm nghề làng nhàng trong khi thiếu những người làm nghề xuất sắc. Một người làm nghề xuất sắc trong bất cứ lĩnh vực nào đó phải trải qua 3 yếu tố là: đam mê – năng lực – ý chí. Tất cả nó phải kết hợp với nhau để tạo nên một giao điểm của sự thành công. Nếu thiếu một yếu tố nào thì khó chúng ta có thể trở nên xuất chúng.

Những ngành nghề sẽ lên ngôi trong tương lai gần

Chị dự đoán đâu sẽ là những ngành/nhóm ngành xu thế trong những năm tới? Vì sao?

Theo quan sát của mình, những ngành/nhóm ngành thuộc khối phi kĩ thuật có nhiều tiềm năng trong 5-10 năm nữa, bao gồm: Thương mại Điện tử, Phân tích dữ liệu, Quản trị Nhân lực, Quản trị thương hiệu, Logistic và Quản trị chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh.

Với Quản trị Nhân lực, đây là một ngành nghề mới nổi ở Việt Nam. Hiện nay, theo mình tìm hiểu thì có chưa tới 20 trường đại học ở Việt Nam đào tạo về ngành Quản trị Nhân lực. Điều đó dẫn đến một hệ quả là số lượng người làm nhân sự ở Việt Nam được đào tạo bài bản thiếu trầm trọng. Trước tình trạng đấy, có nhiều người nói rằng: “Không cần phải học Quản trị Nhân lực cũng có thể ra làm nhân sự”, nhưng đó không phải là quan điểm hoàn toàn đúng đắn bởi hiện tại đang thiếu quá nhiều nên những người học trái ngành mới có cơ hội “lấn sân” sang mảng Nhân sự.

Còn về Ngôn ngữ Anh, mình đã phải “giải oan” cho ngành này rất nhiều. Bởi lẽ, mọi người đang giữ suy nghĩ rằng học Ngôn ngữ Anh làm gì bởi ngoài kia ai chả biết tiếng Anh, thay vào đó hãy học một ngành nghề khác rồi sau đó thi chứng chỉ IELTS là được. Đó là quan điểm cực sai lầm bởi vì không có chuyện “ai cũng biết tiếng Anh đâu”, người Việt Nam ta còn kém tiếng Anh lắm. Theo bảng khảo sát mức độ thành thạo tiếng Anh của các quốc gia trên thế giới của tổ chức EFI (English Fluency Index), mức độ thành thạo tiếng Anh ở Việt Nam chỉ nằm ở mức trung bình thấp so với thế giới. Cụ thể, chúng ta có thể viết được những đoạn email ngắn hay giao tiếp cơ bản hằng ngày nhưng khi phải “đụng chạm” đến những kiến thức tiếng Anh chuyên sâu, chúng ta lại gặp vô vàn bối rối. Vậy nên, để có thể lọt vào top nước thông thạo tiếng Anh thì chúng ta cần một quãng thời gian rất lâu nữa.

Thêm nữa là học Ngôn ngữ Anh không phải chỉ để biết tiếng Anh, mà còn có thể dùng tiếng Anh làm chuyên môn chính của mình, như đi dạy hay phiên dịch. Mà với trình độ tiếng Anh quốc dân của Việt Nam như mình vừa chia sẻ ở thống kê bên trên thì nghề đi dạy tiếng Anh còn nhiều đất diễn lắm, chắc 200 năm nữa mới bão hòa được!

Không chỉ có vậy, khi giao thương quốc tế ngày càng được mở rộng thì tiếng Anh mức độ bao phủ của ngôn ngữ ngày càng lớn và nó sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với thị trường lao động. Do đó, hiện nay cùng một vị trí, cùng một năng lực chuyên môn nhưng những người có tiếng Anh tốt có thể có thu nhập cao gấp 1,5, thậm chí gấp 2,5 lần so với người không sử dụng được ngôn ngữ này.

Năm mới mở hội tám chuyện nghề nghiệp với Nguyễn Thái Hà: Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! - Ảnh 5.

Mình sẽ phân tích thêm một ngành nữa là ngành Phân tích dữ liệu. Bất kỳ quyết định nào hiện nay đều phải dựa trên cơ sở dữ liệu. Cụ thể hơn trong hướng nghiệp, nếu muốn nói ngành Quản trị du lịch và lữ hành đang thiếu nhân lực, thì các nhà phân tích phải dựa trên số liệu rằng có bao nhiêu bạn sinh viên theo học ngành này, nhu cầu tuyển dụng thực tế ngành du lịch là bao nhiêu khi so sánh với khả năng đào tạo… Với mức độ quan trọng như vậy nên hiện nay ai cũng phải trang bị cho mình khả năng phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít trường đại học ở Việt Nam hiện nay đào tạo chuyên sâu về ngành Phân tích dữ liệu, còn lại nếu muốn theo học thì các bạn sẽ phải đến các trung tâm phân tích dữ liệu bên ngoài.

Cuộc sống sẽ không ngừng biến đổi và ngành học cũng vậy. Những ngành nghề được coi là “hot hit” ở hiện tại hoàn toàn có thể trở nên “lỗi thời” ở một thời điểm khác trong tương lai. Các bạn trẻ cần làm gì để không bị đào thải trong một xã hội luôn biến động như hiện nay?

Mình sẽ đưa ra một ví dụ chứng minh vào giai đoạn mình thi đại học là vào năm 2011, ngành Tài chính – Ngân hàng mới là ngành nghề “chiếm thế thượng phong”. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành Tài chính – Ngân hàng không còn là ngành được các bạn trẻ quá săn đón nữa.

Mình muốn nói các bạn trẻ rằng không nên chạy theo số đông, chọn lựa những ngành được coi là “xu hướng”, hay “hot hit”. Ngay kể cả những ngành/nhóm ngành dưới góc nhìn của mình là sẽ có tiềm năng trong tương lai, thì cũng sẽ không bảo chứng cho việc ra trường bạn sẽ có việc làm ngay được. Vậy nên, trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì trong việc chọn ngành chọn nghề, hãy quay trở lại lời khuyên của mình ở trên là: thấu hiểu bản thân – chọn lọc thông tin – dám đưa ra quyết định. Đặc biệt, để bản thân các không bị bão hòa trong thị trường lao động hiện nay thì chẳng cách nào khác ngoài việc bạn phải tiếp tục cố gắng và nỗ lực hơn mỗi ngày.

Năm mới mở hội tám chuyện nghề nghiệp với Nguyễn Thái Hà: Dự đoán ngành sẽ lên ngôi và công thức 3 HÃY! - Ảnh 6.

Không nên chạy theo số đông, chọn lựa những ngành được coi là “xu hướng”, hay “hot hit”. Ảnh: Kenh14.vn

Liệu rằng việc theo học một ngành nghề “xu hướng” có đủ để các bạn trẻ ra trường không lo thất nghiệp hay có một công việc “nghìn đô” hay không?

Việc các bạn thấy một ngành nghề nào đó “hot hit” “xu hướng” đâu đồng nghĩa với việc người khác không thấy, vậy chẳng lẽ cứ ai vào ngành hot hit sẽ tự động có lương ngàn đô hay sao?

Có một nguyên lý để tăng khả năng được tuyển dụng của một con người, đấy là: (1) Năng lực bản thân – (2) Mối quan hệ – (3) Cơ hội của thị trường và 3 yếu tố này được sắp xếp theo mức độ quan trọng từ cao đến thấp, tức là việc học ngành hot hit sẽ giúp bạn phần nào đạt được cái thứ (3), nhưng nó cũng không phải là cái quan trọng nhất và nó cũng sẽ thay đổi theo biến động xã hội. Chỉ có (1) và (2) là các yếu tố bền vững, chúng ta hoàn toàn làm chủ nó và bồi đắp được mỗi ngày thôi.

Theo Kenh14.vn, đăng ngày 24/01/2023

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Reddit

Bình luận

Bình luận Wordpress

Bình luận Facebook

Tin liên quan