5 Whys – 5 tại sao vốn là một phương pháp tìm ra nguyên nhân vấn đề được sáng tạo bởi các kĩ sư của nhà máy Toyota vào những năm 70 của thế kỉ trước. Khi đứng trước một vấn đề, họ không chỉ hỏi tại sao một lần rồi lao vào giải quyết ngay, mà dùng chính những câu trả lời của câu trước làm câu hỏi cho câu sau, hỏi liên tục cho đến khi tìm ra vấn đề gốc.
Ví dụ:
1, Vì sao khách hàng của chúng ta không hài lòng? – Bởi vì chúng ta đã không cung cấp dịch vụ đúng thời hạn như chúng ta hứa.
2, Tại sao chúng ta không cung cấp dịch vụ đúng hạn như đã hứa? – Vì chúng ta không hình dung được sẽ tốn thời gian như vậy.
3, Tại sao chúng ta tốn thời gian như vậy? – Vì chúng ta không đánh giá đúng sự phức tạp của công việc.
4, Vì sao chúng ta không đánh giá đúng được sự phức tạp của công việc? – Vì chúng ta quá vội vã ước lượng thời gian hoàn thành công việc, trong khi chưa liệt kê được các giai đoạn cụ thể để hoàn thành dự án.
5, Tại sao ta không liệt kê được các giai đoạn cụ thể để hoàn thành dự án? – Bởi vì còn đang phải chạy dự án khác.
Vấn đề cần giải quyết là:
1, Xem xét lại mức độ ưu tiên của từng dự án.
2, Xem xét lại việc hoạch định thời gian.
3, Mô tả đầy đủ các công việc quan trọng.
Giờ ứng dụng trong câu hỏi phỏng vấn thế nào?
1, Em có nghĩ em chịu được áp lực công việc không? – Dạ em có.
2, Em có thể kể cho chị ví dụ về một sự việc/điều gì đó em đã trải qua và thấy là áp lực không? – Dạ hồi em ôn thi đại học đó ạ.
3, Em áp lực cụ thể ở điều gì trong kì thi đại học? Điểm số cao hay thời gian quá gấp hay lo lắng cho tương lai? – Dạ thời điểm đó ba mẹ em cứ nói đi nói lại là trượt đại học chỉ có mà đi phụ hồ nên em căng thẳng lắm chị.
4, Vậy là em lo trượt đại học không có việc làm nên mới căng thẳng hay vì bố mẹ nói nhiều? – Dạ vì bố mẹ em nói nhiều, chứ em học cũng không tệ mà bố mẹ làm em cảm thấy em trượt đến nơi.
5, Vậy lúc căng thẳng em muốn người xung quanh thế nào với em? – Dạ đừng nói gì, để em yên là em tự xử được. Chị thấy đó, em vẫn đỗ đại học mà.
Từ đây đánh giá khả năng của ứng viên chịu áp lực như thế nào đến từ thế giới quan của người phỏng vấn nhưng ít ra không phải là đánh giá ngay từ câu một.
Nguồn của kiến thức Hà có được từ:
– Google.
– Lớp học Tuyển dụng của cô Rosie Đào Hạnh Giang (CEO Build Talents)
– Thực hành trên 100 ứng viên.
Theo Chị Nguyễn Thái Hà, đăng tuyển trên LinkedIn Thai Ha Nguyen