Gặp Nguyễn Thái Hà – nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: “Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn”

Theo Thái Hà, việc định hướng nghề nghiệp của học sinh sinh viên hiện nay chịu chi phối bởi nhiều yếu tố.

Định hướng nghề nghiệp là vấn đề không quá mới mẻ ở Việt Nam, song nó chưa bao giờ hết “hot”, đặc biệt là khi mỗi mùa tuyển sinh đến. Đứng trước ngã ba đường của sự lựa chọn, nhiều bạn trẻ thường rơi vào trạng thái hoang mang tột cùng vì không biết đâu mới là sự chọn lựa phù hợp nhất cho bản thân. Đó là lý do không ít bạn trẻ tìm đến những nhân vật có kinh nghiệm trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp này để xin lời khuyên cũng như giải pháp.

“Chiến thần review ngành học” Nguyễn Thái Hà (SN 1993) không nghi ngờ gì chính là một trong số những nhân vật đó. Cho những ai chưa biết thì Thái Hà là diễn giả, giám đốc tuyển dụng một công ty chuyên về tư vấn quản trị và là một HR cực kì có thâm niên. Cô cũng sở hữu riêng một kênh TikTok chuyên về định hướng nghề nghiệp hút hàng chục triệu view.

Trong quá trình tuyển dụng, Thái Hà chứng kiến rất nhiều trường hợp dường như đang loay hoay tìm kiếm đam mê của bản thân, vậy nên cô luôn khao khát sử dụng khả năng của mình để lan tỏa những thông điệp tích cực và giúp đỡ các bạn trẻ. Với tôn chỉ “Lời khuyên không xuất phát từ gốc rễ là lời khuyên nên bỏ qua”, Thái Hà đã nhận được sự yên mến của rất nhiều người đang “lạc” trong mê cung của bản thân.

Từ câu chuyện “con cá leo cây” đến những “lỗ hổng” trong việc giáo dục hướng nghiệp

Nhà bác học Einstein từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Từ câu nói kể trên, theo bạn tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp là như thế nào?

Không cần nói thì chúng ta cũng biết được rằng việc định hướng nghề nghiệp quan trọng như thế nào. Nó giúp bạn tìm kiếm được một công việc “trong mơ” của bản thân với một mức lương phù hợp với năng lực. Bạn sẽ không phải trải qua cảm giác bị ép buộc đi làm mà thay vào đó là cảm giác hạnh phúc vì được cống hiến cho công việc. Chẳng những thế, nó sẽ vạch ra cho bạn một lộ trình rõ ràng để có thể phát triển bản thân; bạn sẽ đầu tư đúng chỗ, tránh lãng phí ngay từ đâu.

Ngoài ra, việc xác định được đúng ngành nghề mà bản thân yêu thích còn tác động rất lớn đến tương lai của bạn, định hình được bạn là ai…

Học sinh hiện nay đang bị chi phối bởi những yếu tố nào trong việc chọn lựa nghề nghiệp?

Có thể nói, việc định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam đang có rất nhiều “lỗ hổng” và bị tác động bởi vô vàn tư tưởng định kiến sai lầm.

Bố mẹ cũng quyết định rất nhiều tới việc chọn ngành, chọn nghề của con cái. Nhiều bậc phụ huynh mặc định là ngành nghề này hot hay trường đại học này “xịn xò”, còn mặc định những ngành nghề khác là không tốt hay trường đại học này là không đáng để học… mà ép buộc con cái đi theo định hướng của bố mẹ. Đó chỉ là những đánh giá chủ quan mà thiếu đi kiến thức đầy đủ và tổng quan về thị trường lao động.

Gặp Nguyễn Thái Hà - nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn - Ảnh 2.

Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi truyền thông cũng như các tin tức trên MXH. Bạn chỉ cần search cụm từ “Top những ngành nghề thất nghiệp” hay “Những ngành nghề xu hướng trong tương lai” là đã có cả hàng triệu triệu kết quả. Nó sẽ đánh trực diện vào vấn đề muốn kiếm được tiền và thật nhiều tiền của chúng ta. Tuy nhiên, bản chất của “thất nghiệp” hay “xu thế” không chỉ dựa vào những bài thống kê trên MXH, mà nó chi phối bởi vô số yếu tố khác mà chúng ta cần phải xét đến.

Không chỉ thế, môn “hướng nghiệp” ở giáo dục phổ thông chưa được dành sự quan tâm đúng mực, có thể là giáo viên môn khác kiêm nhiệm, chương trình tập trung vào dạy kiến thức của các môn học…

Nhiều người cho rằng ngày nay, việc định hướng nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi các “hệ tư tưởng độc hại”. Không ít kênh TikTok hướng nghiệp mọc lên với mục đích “câu like”, “câu view” là chủ yếu. Điều này có thể gây ra những hệ lụy nào?

Xét về góc độ này, chúng ta không nên chỉ nói về một phía là người sáng tạo nội dung mà nên nhìn nhận theo một cách đa chiều hơn là cả về người tiếp nhận nội dung.

Xét về người sáng tạo nội dung, có thể họ có động cơ muốn “câu like”, “câu view” nhưng cũng rất có khả năng họ rơi vào “hiệu ứng Dunning – Kruger”. Đó chính là việc bạn biết chỉ vài phần trăm về vấn đề nào đó hoặc thậm chí là không biết nhưng bạn đã mặc định bản thân là bậc thầy trong vấn đề đó rồi. Xét về động cơ thứ hai, các bạn không phải là người xấu, chẳng qua là muốn chia sẻ thế giới quan của mình cho mọi người nhưng nó chưa thật sự đầy đủ và không ý thức được đến tác động tiêu cực của nó.

Còn về phía người nghe, khi xem những nội dung hướng nghiệp “độc hại”, bạn hoàn toàn có quyền từ chối tiếp nhận mà chọn lọc những content chất lượng, đáng tin cậy hơn để xem. Nếu nội tại bên trong của các bạn đủ mạnh, thì bạn có thể tìm kiếm những luồng thông tin “xịn xò” khác chẳng hạn như việc: nói chuyện với các chuyên gia, tìm hiểu những cáo báo việc làm của các đơn vị uy tín…

Nếu một bạn nào đấy đang lựa chọn 1 ngành A, nhưng chỉ vì xem một clip trên TikTok nói rằng học ngành này là không có tương lai mà lập tức “quay xe” sang ngành khác thì chứng tỏ rằng bạn cũng không yêu thích ngành học đó đâu!

Quan điểm “học đúng ngành, làm đúng nghề” có còn phù hợp ở thời điểm hiện tại?

Những ngành nghề được coi là “hot hit” ở thời điểm hiện tại liệu rằng có còn xu thế ở tương lai nữa hay không, hay những ngành nghề được mặc định là “thất nghiệp” liệu có thất thế?

Mình sẽ đưa ra một ví dụ chứng minh vào giai đoạn các anh chị trong độ tuổi 7x, ngành bưu điện vô cùng “hot hit”, mọi người “đổ xô” đi vào bưu điện làm. Xét về yếu tố thị trường, nhu cầu giao thương ở thời điểm đó bắt đầu bén lửa để trở nên “hot”. Tuy nhiên, đến thời điểm của mình thi đại học là vào năm 2011, ngành Tài chính – Ngân hàng mới là ngành nghề “chiếm thế thượng phong”. Những ví dụ mình đưa ra ở trên chứng minh cho một điều là những ngành nghề “hot” hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của thị trường.

Có thể hiện tại đang rất hot các ngành như Marketing… nhưng 5-10 năm sau chúng ta không thể chắc chắn được điều gì và chúng ta cũng không nên coi ngành này “hot” hay ngành kia “hết thời” vì nó sẽ gây ra sự mất cân bằng nghề nghiệp. Nếu ai cũng đổ xô đi học ngành hot thì những nghề khác ai làm đây? Hoặc nếu ngành ta yêu thích, ta thấy phù hợp nhưng nó không hot thì chẳng lẽ ta không chọn nó nữa hay sao?

Gặp Nguyễn Thái Hà - nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn - Ảnh 3.

Việc tìm kiếm được việc làm phụ thuộc vào những yếu tố nào? Liệu rằng quan điểm “học đúng ngành, làm đúng nghề” có còn phù hợp với thời điểm hiện tại hay không?

Có thể nói, việc làm sau khi ra trường hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng quan điểm cá nhân của mình là do những yếu tố nội tại bên trong, bạn có cố gắng hay không, nỗ lực để đạt được mục tiêu của bản thân hay không mới là điều quan trọng.

Có một công thức quyết định xem bạn có được tuyển dụng hay không chính là: Năng lực chuyên môn – Mối quan hệ – Yếu tố thị trường. Ba điều đó sẽ tổng hòa với nhau để gia tăng khả năng bạn được tuyển dụng. Mình luôn bảo vệ quan điểm rằng thất nghiệp hay không phụ thuộc vào nguồn tri thức, kĩ năng, thái độ của chúng ta đang sở hữu.

Gặp Nguyễn Thái Hà - nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn - Ảnh 4.

Còn về vế thứ hai, theo mình, chúng ta cũng không nên đặt nặng quá vấn đề nhất thiết học ngành gì ra thì phải làm đúng ngành đó. Nhiều bạn có tâm lý nếu không làm đúng ngành thì “phí” mất 4 năm học Đại học, nhưng vấn đề là nếu như bạn chọn ngành không phù hợp với mình từ đầu, phải làm một công việc mình không hề yêu thích mới là sự lãng phí cực lớn.

 Việc học, đặc biệt là việc học đại học có nhiều ý nghĩa hơn. Đó là cả quá trình trưởng thành cả về mặt chất và lượng. Sau 4 năm, nếu bạn thấy mình sống có trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kiến thức kĩ năng tốt, có thêm nhiều mối quan hệ thì đã là một chặng đường đại học thành công.

Nên chấp nhận hay đánh đổi khi biết bản thân học trái ngành?

Theo bạn, khi phát hiện ra rằng định hướng lúc đầu của bản thân không phù hợp thì chúng ta nên tiếp tục hay chấp nhận thay đổi?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của các bạn, mỗi người sẽ có những cách quyết định khác nhau dựa trên góc nhìn cá nhân.

Thành thật mà nói, mình cũng đã từng “quay xe” từ một trường đại học công lập “top đầu” sang một trường đại học tư thục chỉ vì cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường mô phạm của đại học công lập. Khi học 2 tuần tại đây, mình cảm thấy bản thân không phù hợp vậy nên mình quyết định chuyển hướng sang một môi trường tư thục năng động, thoải mái và tự do thể hiện bản thân hơn. Lúc đầu, mình vấp phải mâu thuẫn với bố mẹ, nhưng mình vẫn quyết tâm với lựa chọn của mình và đương nhiên phải nỗ lực để chứng minh lựa chọn của mình không sai. Bây giờ mình cũng không dám khẳng định là mình thành công nhưng bản thân chắc chắn đã khiến bố mẹ tin tưởng vào mình.

Thông điệp mình muốn gửi đến các bạn trẻ là hãy hiểu chính mình, hãy xem xét tất cả những yêu tố trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Chỉ có bạn mới hiểu chính bạn mà thôi. Khi bạn cho phép bản thân làm được, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân, không sợ người khác đánh giá… thì bạn hãy dũng cảm “quay xe”.

Có nên vì tiền bạc mà học trái ngành hay kiên trì với ngành mình yêu thích nhưng lương thấp, bấp bênh?

Ta không nên đưa ra 2 lựa chọn mang tính tuyệt đối như thế. Theo mô hình hướng nghiệp IKIGAI nổi tiếng, một công việc được coi là phù hợp với bạn khi nó thoả mãn cả 4 yếu tố: thứ bạn làm giỏi, thứ bạn yêu thích, thứ giúp bạn kiếm ra tiền và không vi phạm đạo đức, pháp luật. Thiếu đi cái nào cũng khó, vì nếu một đam mê không  ra tiền thì đam mê ấy sớm muộn cũng lụi tàn, còn kiếm ra tiền mà mình không yêu nó thì mình lại không hạnh phúc.

Gặp Nguyễn Thái Hà - nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn - Ảnh 5.

Nhiều sinh viên ra trường cảm thấy không thỏa đáng với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng, bạn suy nghĩ sao về vấn đề này?

Dải lương cho các bạn mới ra trường thực sự rất rộng, từ 3 tới 30 triệu đều có. Những bạn ra trường chỉ tìm được các công việc lương thấp là vì thực sự các bạn không có gì để cạnh tranh với hàng ngàn cử nhân ngoài kia. Ngược lại, những bạn lương hàng ngàn đô vì các bạn ấy thực sự có các điểm xuất sắc: tiếng Anh thành thạo, kinh nghiệm làm việc sẵn có từ những năm đại học, có những dự án cộng đồng, ngoại hình và thể lực vượt trội… Nói chung là “giá” của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn. Tuy nhiên nhìn chung, lương khởi điểm 7 triệu khi ra trường là không thấp.

Gặp Nguyễn Thái Hà - nữ TikToker chuyên review ngành học hút triệu view: Giá trị của bạn phụ thuộc vào độ khó để tìm ra bạn - Ảnh 6.

Trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp cho các bạn trẻ, câu chuyện nào mà bạn cảm thấy ấn tượng nhất?

Có trường hợp một bạn trẻ đến bây giờ mình vẫn nhớ mãi. Bạn gái này tốt nghiệp một khoa thuộc trường Báo chí, và ngay từ năm nhất đại học đã chọn 1 công việc làm thêm là phục vụ nhà hàng. Bạn ấy làm công việc này suốt 3 năm, thăng tiến từ phục vụ lên giám sát nhà hàng với mức thu nhập rất tốt. Nhưng bạn ấy lại gạt tất cả qua một bên để theo nghề Nhân sự, với mức lương thực tập sinh chỉ bằng 1/3 lương giám sát nhà hàng. Điểm đáng trân trọng ở bạn này là luôn hết mình với lựa chọn, không bao giờ trong trạng thái nửa vời, và bây giờ bạn ấy đã là một chuyên viên Nhân sự cứng cáp với mức thu nhập ổn định 20 triệu/ tháng dù mới 24 tuổi.

Qua câu chuyện của bạn nữ ấy, có thể thấy không có hướng đi nào là đúng đắn và phù hợp 100% ngay từ đầu, Cuộc đời là của bạn nên cứ lựa chọn những gì bạn thấy thích. Bởi suy cho cùng, chỉ có bạn mới chịu trách nhiệm được với những quyết định của chính bạn mà thôi.

Cảm ơn Thái Hà vì cuộc trò chuyện này, chúc bạn luôn thành công!

Theo Kenh14.vn, đăng tải ngày 02/07/2022

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Reddit

Bình luận

Bình luận Wordpress

Bình luận Facebook

Tin liên quan